Xách ba lô lên và đi
Đăng lúc: 21 August, 2022Bởi: adminBình luận: 0

Blog đầu tiên mình lựa chọn để viết là về chủ đề du lịch với các cung đường tại Việt Nam.

Mình đặt tiêu đề theo tên một cuốn sách của Huyền Chip. Thú thực là mình chưa đọc cuốn sách đó, nhưng mình đã có được rất nhiều cảm hứng khi theo dõi hành trình của cô gái này.

Cần nhấn mạnh lại rằng, việc đi du lịch chỉ là một trong rất nhiều cách để khám phá thế giới. Không phải ai cũng tò mò về thế giới và không phải ai cũng cần biết về thế giới để có được một cuộc sống vui vẻ.

Nói như vậy để thấy được rằng, việc đi du lịch cũng chỉ là một lựa chọn cuộc sống. Nếu bạn thích đi đây đó, và bạn đã làm được điều đó, đó là sự may mắn của riêng bạn, hạnh phúc của riêng bạn. Chia sẻ trải nghiệm đó một cách đúng mực và mang tính xây dựng tích cực. Cẩn thận nếu bạn chia sẻ trên mạng xã hội cốt chỉ để thỏa mãn cảm giác hơn thua với người khác về cái gọi là niềm hạnh phúc và nỗi bất hạnh. Trong phần trả lời của bài viết “Đọc báo trả phí liệu có khả thi?” mình cũng đặc biệt lưu tâm đến điều này.

 

(Ảnh 1: Bãi Xép, Phú Yên)

Sau cảnh báo nho nhỏ, chúng ta cùng bước vào chủ đề chính. Với bài blog này mình sẽ chia sẻ một số trải nghiệm của bản thân trong những chuyến du lịch vòng quanh đất nước. Cũng không có gì cần giấu giếm, mình cần những chuyến đi vì cảm giác tự do có được, để thỏa mãn sự tò mò về một thế giới rộng lớn và là một bước đi cần thiết để hoàn thiện thế giới quan của bản thân.

Những cung đường trong bài viết này mang tính tham khảo, việc lựa chọn một lịch trình như thế nào tùy thuộc vào sức khỏe, sở thích, thời gian và tài chính của mỗi người.

(Ảnh 2: Bản đồ Việt Nam)

Vì mình ở Hà Nội, nên các cung đường mình đi đều xuất phát từ Hà Nội. Các cung đường mình đi có thể phân thành 2 loại:

- Cung đường ngoài Bắc. Đặc điểm chung là thời gian đi thông thường từ 1 – 3 ngày. Với mỗi chuyến đi mình sẽ chỉ di chuyển trong 1 tỉnh hoặc các vùng lân cận của tỉnh đó. Phương tiện đến là ô tô (xe khách hoặc thuê xe). Và thuê xe máy trong suốt hành trình.

- Cung đường từ Quảng Bình trở vào trong. Hầu hết các cung đường này là liên quan đến biển. Lịch trình trung bình là 4 – 6 ngày. Di chuyển trong ít nhất 2 tỉnh và nhiều nhất là 5 tỉnh với cung miền Tây. Mình đáp máy bay đến các tỉnh, di chuyển giữa các tỉnh bằng ô tô, và đi lại trong tỉnh bằng xe máy. Một lịch trình lý tưởng với mình là điểm đến và điểm trở về là 2 tỉnh khác nhau.

Như vậy, nhìn sơ qua thì cung đường ngoài Bắc mình đi theo kiểu một đường thẳng nối từ A đến B rồi quay ngược đầu lại. Trong khi phía miền trong thì nghe giống một cung thực sự hơn khi đi theo một vòng tròn khép kín.

(Ảnh 3: Nhà cô Ly, bản Tả Van, Sapa, Lào Cai)

Các cung ngắn quanh Hà Nội phù hợp cho việc thư giãn vào cuối tuần với Tam Đảo và Ba Vì. Đây là cung đường đi lại khá đơn giản, giúp bạn thay đổi không khí mà không mất nhiều thời gian. Mình từng chạy lên Tam Đảo chỉ để uống cốc ca cao nóng rồi về.

Đi xa hơn một chút, nhưng vẫn với mục đích để nghỉ ngơi ngày cuối tuần thì đây là một số lựa chọn thích hợp:

- Mai Châu, Hòa Bình.

- Ninh Bình.

- Cát Bà, Hải Phòng

- Hạ Long, Quảng Ninh

Đặc điểm chung của các cung đường này là việc đi lại rất thuận lợi, phần lớn lộ trình là có đường cao tốc. Do các địa điểm này đều đã được du lịch hóa từ lâu nên cơ sở vật chất tốt, việc đi lại giữa các điểm du lịch dễ dàng.

Trong trường hợp bạn muốn đến những địa điểm khác biệt hẳn Hà Nội, một nơi yên tĩnh, hay một chỗ nào đó “chill” hơn, tự do hơn, thì có thể thử độ khó cao hơn với những cung đường này.

- Combo đảo biển của Quảng Ninh: Ngọc Vừng, Quan Lạn, Cô Tô.

- Bình Liêu, Quảng Ninh

- Mộc Châu, Sơn La

- Tà Xùa, Sơn La (Yên Bái). Lộ trình: Hà Nội – Tà Xùa – Mộc Châu – Hà Nội là một lộ trình được khá nhiều người lựa chọn.

- Pà Cò, Hang Kia, Hòa Bình. Do Pà Cò ráp gianh với Sơn La, nên lộ trình này rất hợp lý khi kết hợp với Mộc Châu. Ngoài ra nếu Mai Châu có phần nhẹ nhàng quá với bạn thì Mai Châu – Pà Cò cũng là 1 lựa chọn hay cho những ngày cuối tuần.

- Điện Biên

- Sapa, Lào Cai.

- Y Tý, Bát Xát, Lào Cai

- Hà Giang

Hầu hết các cung đường đẹp nhất ngoài Bắc là các cung đường núi, nên nếu không nhắc đến hoạt động leo núi khám phá (Trekking, Hiking) sẽ là một sự thiếu sót lớn. Nếu bạn có sức khỏe và đủ kinh nghiệm để sẵn sàng bước ra khỏi vùng an toàn, thì hình thức du lịch này chắc chắn sẽ mang lại những trải nghiệm thú vị.

 

Đối với cung đường phía trong, với hành trình dài ngày qua nhiều tỉnh thành, với cảnh sắc đa dạng cùng những nét văn hóa khác biệt thực sự là những trải nghiệm thú vị.

- Quảng Bình – Huế. Quảng Bình là tỉnh đánh dấu bắt đầu cung đường biển với mình. Di chuyển sang Huế mình lựa chọn phương tiện tàu hỏa. Ở Huế mình chủ yếu tập trung vào việc tham quan trong thành phố và đi ăn cả thế giới.

- Đà Nẵng – Hội An (Quảng Nam) và đi đèo Hải Vân để sang Lăng Cô (Huế).

- Chu Lai (Quảng Nam) – thành phố Quảng Ngãi – đảo Lý Sơn.

- Pleiku (Gia Lai) – Măng Đen (Kon Tum). Do Kon Tum chưa có sân bay nên với lộ trình này bắt buộc phải quay lại Pleiku để bay về Hà Nội. Tuy có chút vất vả nhưng hoàn toàn xứng đáng.

- Chu Lai (Quảng Nam) – thành phố Quảng Ngãi – Măng Đen (Kon Tum). Khi mình lên đến Măng Đen, mình mới nhận ra là nó chỉ cách Quảng Ngãi hơn trăm km, và mình đã lên 1 lịch trình để trở lại Măng Đen lần 2 thế này. Đây là một cung đường có chút thử thách vì cả Quảng Ngãi và Măng Đen đều chưa có sân bay. Lịch trình này cần khoảng 4 ngày. Và nếu dư dả thời gian thì có thể thành 6 ngày để ra Lý Sơn trồng tỏi.

- Quy Nhơn (Bình Định) – Phú Yên. Cung đường biển cực đẹp đã quá nổi tiếng và quen thuộc với dân du lịch.

- Phú Yên – Nha Trang (Khánh Hòa). Với cung đường này, mình chủ yếu khám phá phía Nam của Phú Yên và phía Bắc của Khánh Hòa.

- Và cung đường siêu dài, siêu đẹp và đầy những trải nghiệm khác nhau: Cam Ranh (Khánh Hòa) – Bình Ba – Phan Rang (Ninh Thuận) – Bình Thuận – thành phố Hồ Chí Minh.

- Vì quá yêu thích mảnh đất Ninh Thuân cảnh sắc đa dạng và con người dễ mến, mình đã trở lại với một cung đường cũng đầy thú vị. Đà Lạt – Phan Rang (Ninh Thuận) – Vĩnh Hy – Cam Ranh.

- Thành phố HCM – Phan Thiết – Bình Thuận – Đảo Phú Quý – TP HCM. Sau này khi sân bay Phan Thiết được hoàn thành, thì việc đi lại sẽ thuận tiên hơn rất nhiều. Cung đường liên quan đến cả Bình Thuận và Ninh Thuận sẽ rút ngắn được nhiều thời gian dành cho việc di chuyển.

- Cung đường Miền Tây: Cần Thơ – An Giang – Cà Mau – Bạc Liêu – Sóc Trăng. Bay về Hà Nội ở Cần Thơ hoặc TP HCM

Cung đường miền Tây mình bỏ qua Kiên Giang vì nơi này cần phải đến những 2 lần:

- Cần Thơ – Rạch Giá (Kiên Giang) – đảo Hòn Sơn – đảo Nam Du.

- Phú Quốc.

Bình luận :

Bình luận