Trong bài viết này, mình sẽ chia sẻ một số trải nghiệm về cung đường Nghĩa Lộ - Tú Lệ - Mù Cang Chải. Cả 3 địa điểm này đều thuộc về Yên Bái.
Bài viết sẽ chia thành 2 phần. Phần đầu tiên mình sẽ tập trung vào những ghi chú mà mình cho rằng có thể sẽ giúp ích cho bạn trong việc lên lịch trình phù hợp. Trong phần thứ 2 thì mình sẽ chia sẻ những trải nghiệm riêng của bản thân về hành trình Mù Cang Chải của mình.
(Video: Bài hát "Nhà em ở lưng đồi" - Youtube: Thùy Chi Official)
Trước tiên, để bước vào phần 1 thì mời bạn cùng nghe MV này, với những hình ảnh và lời ca rất nên thơ.
Những ghi chú này của mình hoàn toàn không phải là "Review".
Với Tây Bắc thì 2 mùa được chọn đi nhiều nhất là mùa nước đổ và mùa lúa chín. Về mặt thị giác thì có thể là do sự hòa hợp của các mảng màu trong khung cảnh núi đồi. Nhưng mình thích cái suy nghĩ hướng tới người dân bản địa hơn. Mùa nước đổ đánh dấu sự bắt đầu một mùa vụ mới và mùa lúa chín là lúc thu lấy thành quả sau một thời gian dài lao động. Những cánh đồng bậc thang là cuộc sống của người dân bản địa. Chúng ta, những người du lịch, chỉ là những kẻ xa lạ đến rồi đi và nếu kẻ nào may mắn thì sẽ vô tình được trải nghiệm một thoáng cảm xúc của người dân bản địa về mảnh đất của họ.
Tại sao mình lại đưa ghi chú này lên đầu tiên? Vì mình nhìn thấy sự kiêu ngạo của những vị khách du lịch ở mọi nơi. Chúng ta đến một vùng đất không thuộc về mình, nhận thì thật nhiều, nhưng cho đi chẳng được bao nhiêu. Chúng ta rủng rỉnh mang tiền đến, tự cho chúng ta những đặc ân phi lý, để lại sự hỗn loạn sau khi rời bỏ một cách vô tâm.
Đây là bài viết đầu tiết của mình về chủ đề du lịch, và đây cũng là ghi chép đầu tiên của mình. Nếu bạn không đồng ý với ghi chú này, không sao cả. Đi thật nhiều, trải nghiệm thật nhiều, học hỏi thật nhiều nhưng luôn làm nó với sự khiêm nhường của kẻ được nhận rất nhiều ân huệ mà cho đi chẳng được bao nhiêu. Một ngày nào đó bạn cho rằng điều mình nói không hẳn là sai, thì xin chào mừng trở lại tiếp với chủ đề du lịch của Mipiche.
(Video: Cập nhật sau)
Mình lên Mù Cang Chải 3 lần 2019, 2020, 2022 đều vào mùa lúa chín tháng 9.
Năm 2019 mình đi xe khách lên Nghĩa Lộ vào tối thứ 7. Thuê xe máy và chạy một vòng từ Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải rồi trở lại với quãng đường khoảng 170 km trong ngày chủ nhật. Từ Nghĩa Lộ lên, bạn sẽ đi qua đèo Khau Phạ. Mặc dù là một trong tứ đại đỉnh đèo, nhưng không khó đi với một người đã có chút kinh nghiệm chạy đường đèo. Lưu lượng xe tải ở đây không nhiều, và xe công gần như không có. Nếu bạn đi trong tuần, thì sẽ khá thông thoáng vì khách du lịch cũng chỉ tập trung chủ yếu vào cuối tuần.
Đèo thường xuyên có sương mù, nhất là những hôm trời mưa. Ngoài ra nếu bạn không phải là một dân du lịch chuyên nghiệp, thì không nên lựa chọn chạy đêm vì hầu hết cung đường đều không có đèn.
(Ảnh: Một đoạn đường có sương mù trên đèo Khau Phạ)
Trong lộ trình đó, bạn sẽ đi qua Tú Lệ, và được quan sát cách người dân làm cốm dọc hai bên đường. Từ trên đèo Khau Phạ, bạn cũng sẽ choáng ngợp với cánh đồng lúa Tú Lệ ở thung lũng. Lưu ý rằng, mùa lúa chín ở Tú Lệ thường sớm hơn so với Mù Cang Chải khoảng 1 tuần. Ở Tú Lệ cũng thường gặt đồng loạt hơn. Mình phỏng đoản rằng, Mù Cang Chải có phân chia thời gian cấy và gặt ở một số điểm du lịch quan trọng, để kéo dài tối đa mùa du lịch cho địa phương.
(Ảnh: Lễ hội ở Tú Lệ)
Năm 2020, thì mình cũng đi theo lịch trình xe khách lên Nghĩa Lộ và thuê xe máy chạy lên Mù Cang Chải như năm trước. Nguyên nhân do nhóm mình đi cuối tuần và lại trúng ngày đông nhất trong mùa lễ hội. Đi xe khách lên Nghĩa Lộ thì có nhiều lựa chọn hơn so với xe đi Mù Cang Chải, do tuyến Nghĩa Lộ lên Lai Châu đi qua Mù Cang Chải thực ra là một tuyến đường vòng. Việc nhồi nhét xe khách từ Hà Nội lên Mù Cang Chải là có thật, nhất là bạn phải bắt xe dọc đường chạy từ tuyến Quảng Ninh lên. Với một xe khách sức chứa 60 người, nhưng khi có hành khách đặt vé vào ngày cao điểm thì họ vẫn cứ nhận, và cuối cùng là tình trạng 200 người cùng tranh nhau chỉ để kiếm được một "chỗ đứng" trên xe. Nếu bạn bắt buộc phải đi xe khách vào dịp cuối tuần lễ hội thì nên cách an toàn vẫn là đặt xe trong bến Mỹ Đình, hơn là tin tưởng vào lời hứa có chỗ nằm của các xe Quảng Ninh chạy lên. Tất nhiên thì với quả "phốt" to đùng đó của các nhà xe, ít nhiều cũng đã có những sự thay đổi, nhưng tình trạng "nhồi" ngày cao điểm chắc chắn sẽ vẫn còn. Nguyên nhân là do lượng khách mùa lễ hội tăng quá đột biến so với những ngày khác trong năm.
Với lần thứ 2 này, mình lên Nghĩa Lộ vào tối thứ 6. Ngủ lại Mù Cang Chải tối thứ 7. Lịch trình này theo mình thấy là khá lí tưởng cho những ai cần lịch trình Mù Cang Chải cho 2 ngày cuối tuần. Do có nhiều thời gian hơn, nên bạn cũng sẽ rảnh rang hơn để khám phá và trải nghiệm các địa điểm trên đèo Khau Phạ. Ở Tú Lệ có rất nhiều điều thú vị. Lễ hội của người bản địa. Các bản làng.
(Ảnh: Thung lũng Tú Lệ nhìn từ trên đèo Khau Phạ)
Khi đi xuống dưới thung lũng (điểm hạ cánh dù bay), bạn chạy vào trong bản chừng 1 km, sẽ tìm thấy một quả đồi với cảnh cực đẹp và hết sức "chill". Đây thực sự là một nơi lý tưởng để nghỉ trưa và nhâm nhi chén trà, tách cafe trước khi di chuyển sang Mù Cang Chải. Hiện tại (9/2022) đây vẫn là một địa điểm khá mới và chưa có nhiều dịch vụ.
(Ảnh: Địa điểm mới cực "chill" ở dưới thung lũng Tú Lệ)
Với lần thứ 3, thì mình cũng đi từ Hà Nội vào tối thứ 6 nhưng lựa chọn phương án lên thẳng Mù Cang Chải bằng taxi. Giá dao động khoảng 3 triệu cho xe 4 chỗ và khoảng 3,2 triệu cho xe 7 chỗ. Thời gian di chuyển khoảng 6 tiếng. Với phương án lên thẳng này mình sẽ chủ động được thời gian di chuyển, tránh được tình trạng nhồi nhét xe khách. Nghĩa là tối thứ 6 mình sẽ có nhiều thời gian để nghỉ ngơi hơn, tránh tình trạng "quá tải" cho một ngày thứ 7. Do đèo Khau Phạ thường xuyên có sương mù dày đặc về đêm, nên mình ưu tiên lựa chọn một tài xế là người địa phương vì đã có nhiều kinh nghiệm cho tuyến đường này. Với thời gian 6 tiếng trên xe, việc trò chuyện với người địa phương cũng sẽ cho bạn biết thêm rất nhiều điều thú vị về mảnh đất đang tới.
Tại đây bạn có thể phân chia lịch trình dành cho Tú Lệ và Mù Cang Chải nhưng mình gợi ý nên di chuyển xuống Tú Lệ từ sáng sớm thứ 7 trước rồi mới quay lại khám phá Mù Cang Chải.
Tại MCC có khá nhiều điểm thu hút khách như Đồi Mâm Xôi, Vành Móng Ngựa, Rừng Trúc. Nếu bạn đi cuối tuần thì chắc chắn sẽ gặp tình trạng biển người xếp hàng chụp ảnh. Trong lần thứ 3 này mình không lựa chọn lên các điểm đông người này nữa. Mình đi lòng vòng vào trong bản với mục đích ban đầu chỉ là tìm cây táo mèo có quả. Rồi cuối cùng tìm được một nơi cực "chill". Dù ngoài thành phố rất đông đúc, nhưng ở sâu trong bản này thì chỉ có vài khách du lịch ưa khám phá. Ở nơi này, mình mới thấy được một Mù Cang Chải thực sự thuộc về chính người dân bản địa. Cảm giác khiêm nhường, nhỏ bé trước sức tưởng tượng của thiên nhiên và sự thán phục đối với bàn tay lao động. Đến nơi này, bạn sẽ ít nhiều đồng cảm với ghi chú đầu tiên của mình hơn.
(Ảnh: Cánh đồng lúa nằm sâu trong bản)
Cũng cần lưu ý rằng, đường vào bản khó đi với những con dốc 10 độ liên tục gấp khúc, 2 bên đường không có vách chắn. Hãy chắc chắn mình có đủ kinh nghiệm, sự khiêm nhường và cẩn thận.
Như vậy với phần 1, mình đã ghi chép lại một vài chi tiết có ích hỗ trợ cho việc lên lịch trình. Chuyến đi là của bạn, trải nghiệm là của bạn. Lên một kế hoạch phù hợp nhưng luôn để ngỏ không gian cho những bất ngờ thú vị.
-----
Phần 2, mình ghi chép lại một số trải nghiệm riêng của bản thân.
Chuyến đi đầu tiên của mình là vào 2019 là một kỉ niệm khó quên vì hoàn toàn không có một kế hoạch trước.
Thứ 7, mình và thằng bạn ngồi ăn trưa với nhau. Sau một hồi than thở về cuộc sống ngột ngạt tại Hà Nội (hôm đó trời khá nóng), 2 thằng quyết định sẽ đi một nơi nào đó cho ngày cuối tuần, và cái tên Mù Cang Chải nảy ra và được đồng ý ngay lập tức.
Công đoạn tiếp theo là tìm thêm bạn đồng hành. Sau mấy cuộc điện thoại bị ăn chửi sấp mặt vì cái tội điên, cuối cùng chúng mình cũng có được nhóm 4 người.
Việc tiếp theo là tìm xe. Vì thời gian quá gấp, nên chúng mình bị lỡ mất chuyến xe đặt lúc 5h. Lúc đó có một suy nghĩ quay xe lên Tam Đảo, nhưng nghe kiểu cứ bị "hèn" nên cả nhóm quyết định liều ra bến xe Mỹ Đình và tìm xe. May mắn là vẫn còn 1 xe và chúng mình có chỗ nằm, chứ không phải ngồi sàn. Tuy nhiên, sau khi yên vị trên xe, việc tìm chỗ ở mới làm chúng mình tá hỏa.
Mù Cang Chải năm 2019 hệ thống homestay và khách sạn chưa phát triển nhiều như bây giờ. Khi lên xe hỏi người xung quanh mới phát hiện ra là chúng mình chọn đúng ngày lễ hội đông nhất. Chúng mình như tổng đài viên, gọi điện thoại không ngừng nghỉ. Ban đầu chỉ tìm các chỗ ở được đánh giá 4,5 sao trên google, sau đó hạ dần tiêu chuẩn xuống 4.0, rồi sự tự tin giảm xuống đến 3.5, cuối cùng là chỗ nào cũng được, miễn có cái mãi che. Nhưng Mù Cang Chải chỉ nói với mình lời xin lỗi phũ phàng.
Lúc đó chúng mình đưa ra 3 phương án. 1: cứ liều xuống MCC rồi đi tìm phòng, tuy nhiên phương án này khá nhiều rủi ro vì thời điểm xuống MCC là 2h đêm. Hôm sau khi lên MCC chúng mình mới thấy bỏ qua phương án này là hoàn toàn chính xác. Phương án 2 là theo xe về hẳn Lai Châu, rồi sáng hôm sau quay trở lại MCC. Tuy nhiên lựa chọn này kéo theo thời gian di chuyển trên xe khách quá lâu, và việc ngủ lấy sức trên xe khách ở hàng cuối cùng chưa bao giờ là dễ dàng.
(Ảnh: Homestay nhà anh Ngọc chị Chiêm)
Cuối cùng chúng mình chọn phương án xuống xe ở Nghĩa Lộ. Ban đầu mình cũng hơi khủng hoảng vì gọi điện cho một vài nơi cũng báo đầy phòng. Homestay Ngọc Chiêm cũng báo hết phòng, nhưng anh Ngọc bảo có thể ngủ bên nhà anh trai. Như vậy đã là quá nhiều so với cái yêu cầu chỗ nào có mái che là được, nên chúng mình đồng ý luôn. Và thực sự là mình đã rất thích homestay của 2 anh chị. Nó là một ngôi nhà nằm cách xa quốc lộ chừng 500m. Anh chị vốn cũng là những người dân lao động, nhưng được địa phương khuyến khích chuyển đổi nhà sàn sang làm du lịch để có thêm thu nhập. Việc nghỉ ngơi ở một nhà dân là một điều vô cùng thích thú với mình. (Lần gần nhất mình được tận hưởng điều này nữa là ở Pà Cò quây quần bên bếp lửa tỉ tê với chủ nhà giữa cái lạnh mùa đông).
Ngày hôm sau, chúng mình xuất phát từ Nghĩa Lộ đi Mù Cang Chải mà cũng chẳng bận tâm có những gì trên đường. Cứ đi thì biết thôi.
(Ảnh: Lễ hội tại thị trấn Mù Cang Chải)
Chúng mình đi vào đúng hôm thời tiết rất đẹp, có chút hơi se lạnh của trời thu. Đèo Khau Phạ không khó chạy xe, nhưng cảnh tượng thì vẫn rất ngoạn mục xứng đáng với cái tên một trong tứ đại đỉnh đèo.
Sau khi đã no nê với những trải nghiệm mới lạ, chúng mình quay trở lại Nghĩa Lộ khi trời đã tối. Trời thu trở lạnh khá nhanh, do không chuẩn bị áo ấm từ trước, nên chúng mình cần xử lý bằng cách mua áo mưa. Nhưng vấn đề về đèn đóm thì đành chịu thua vì hầu như cả tuyến đường đèo đều không có đèn đường. Sau một ngày thấm mệt, lại phải căng mắt ra để nhìn đường khiến chúng mình khá mệt mỏi. Điều may mắn là có một chiếc xe ô tô nhận ra điều đó, và đi sau bọn mình suốt một đoạn đường dài trên đèo để soi đường cho cả nhóm. Họ chỉ vượt lên khi bọn mình đã về đến khu dân cư. Đến hiện tại mình vẫn rất cảm kích vì lòng tốt của những người xa lạ.
Đến Nghĩa Lộ, dù còn chưa biết trở lại Hà Nội bằng cách nào nhưng chúng mình vẫn quyết định cứ phải ăn no xong đã rồi mới tính tiếp được. Không biết có phải do quá mệt hay không, mà bữa tối ở nhà anh Ngọc, chị Chiêm dù chỉ là những món gia đình bình thường, chúng mình ăn ngon lành một cách đầy thỏa mãn. Do thực sự rất thích homestay này, mình tiếp tục chọn ở đây cho chuyến MCC lần 2 dù chuyến thứ đi này được lên kế hoạch từ trước. Và bữa cơm của anh Ngọc cũng tiếp tục làm thỏa mãn mọi người.
Nhưng sau khi no nê thì chúng mình vẫn cần tìm đường trở về Hà Nội. Chúng mình bắt đầu lo dần đều khi ra bến xe Nghĩa Lộ và thông báo không còn xe về Hà Nội nữa. Do cảm nhận được sự may mắn của cá nhóm cho chuyến đi này, nên chúng mình thử đặt cược tiếp một lần nữa xem sao. Chúng mình ra ngoài quốc lộ để kiếm xe dọc đường, nhưng sau một hồi hỏi thăm chỉ nhận được cái lắc đầu, tầm này chẳng có xe đâu. Nhưng điều kì diệu lại tới lần nữa, khi vừa tiu nghỉu thì một chiếc xe về Hà Nội chạy tới trong sự ngỡ ngàng không của chúng mình mà chắc là của cả những người xung quanh.
Điều thú vị nhất của chuyến đi MCC lần 1 của chúng mình là việc chúng mình đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ mà để ngỏ những điều bất ngờ ở phía trước. Không có kế hoạch chi tiết với những mốc thời gian (deadline) cần tuân thủ. Chúng mình đến một vùng đất khoáng đạt với sự tự do nhất có thể để tận hưởng nó.
Nhân đây, mình cũng rất cảm kích hai người bạn đồng hành không chút than phiền với khoảnh khắc điên rồ của 2 thằng.
Tuy vậy, cũng cần phải nói rằng, sở dĩ chúng mình được phép ngẫu hứng vì chúng mình đã có kinh nghiệm sau rất nhiều hành trình trên cả nước. Những chuyến đi trước đó tạo nên sự tự tin cho chúng mình để giải quyết bất cứ tình huống bất ngờ nào. Nói vậy, để mọi người hiểu, mình không khuyến khích việc người trẻ cứ liều lĩnh lao đầu một cách vô tư vào một hành trình mà không có những cơ sở cần thiết.
(Ảnh: Quang cảnh nhìn từ đường lên Rừng trúc)
Mình trở lại với Mù Cang Chải ngay vào mùa lúa năm sau. Nhóm đi du lịch của mình thông thường sẽ là 4 - 6 người. Một nhóm lớn sẽ hạn chế những trải nghiệm mang tính ngẫu hứng hơn do yêu cầu sự tuân thủ lịch trình. Đồng thời sự thống nhất và tính cơ động của nhóm sẽ yếu đi.
Tuy vậy, với nhóm 8 người của MCC 2020, mình vẫn nghĩ chúng mình đã có được một chuyến đi thành công và mỗi thành viên trong nhóm đã tìm được những điều thú vị riêng của mình.
Lịch trình của chuyến đi hoàn toàn rất cơ bản và khá dễ để phác thảo. Chúng mình tới Nghĩa Lộ vào tối thứ 6. Sáng thứ 7 di chuyển lên Mù Cang Chải và nghỉ tối tại đó. Sau khi vui chơi và ăn uống no say, chúng mình trở lại Nghĩa Lộ vào tối chủ nhật để bắt xe về Hà Nội.
Tuy vậy, chúng mình cũng không thiếu đi những bất ngờ thú vị.
Do phải tháp tùng vị "đại gia" của nhóm, nên mình và đồng chí đó phải lên sau, 6 người còn lại thì lên trước từ bến xe Mỹ Đình. Chúng mình có mặt ở cầu vượt Hồ Tùng Mậu, để bắt xe từ Quảng Ninh lên vào lúc 11h đêm. Khi chúng mình có mặt thì cảnh tượng không thể tin nổi là khoảng tầm 100 người cùng đứng đợi ở đó. Tất cả đều cùng đợi 1 chuyến xe từ Quảng Ninh lên, đều gọi điện xác nhận với tổng đài nhà xe từ trước. Càng gần tới 11h đêm thì lượng người tập trung càng đông, mọi người đều hình dung ra một viễn cảnh nhồi nhét sắp xảy ra. Chiếc xe đó đến nhưng chắc quá kinh hãi với lượng khách đông nghẹt đã phải bỏ chạy lên phía trước, bỏ qua đàn con thơ nheo nhóc không hiểu chuyển gì xảy ra. Đây đã là chuyến xe cuối cùng.
Bằng một cách thần kỳ, điện thoại mình cũng liên lạc với tổng đài và được cho mật khẩu xe đỗ phía trước cách 1 km. Đoàn người lại rượt lên phía trước, sau đó lại được báo đi thêm 1 km nữa, và lại 1 lần nữa. Cứ mỗi lần cho mật khẩu mới thì lại có một đàn con nheo nhóc nản chí bỏ cuộc. Với kinh nghiệm rượt chạy theo xe bus 7 năm đi học, mình và đồng chí "đại gia" kia cũng thành công bắt kịp chuyến xe. Chỉ tiếc là bao nhiêu năm không luyện tập, nên giờ chúng mình vẫn thua các bạn trẻ. Mỗi đứa chỉ xin được một chân để đứng trên xe. Kí ức xe bus 32 cái thời cấp 3 lại ùa về ào ạt.
Đứng mãi thì cũng mỏi, nên mình thử ngồi xuống. Nhưng chỉ sau 5' co quắp chân cũng nhận ra, đứng vẫn là chân lý. Cảm thấy không ổn nếu cứ đứng vậy 4 tiếng đồng hồ, mình đề bạt mọi người cùng chơi trò xếp hình trên xe. Mọi người lúc đầu chỉ cười vì nghĩ mình nói giỡn, nhưng chẳng lâu sau thì cả xe cũng đã xếp hình một cách hoàn hảo với nhau. Chỉ có chút bất tiện là khi ai đó muốn đổi tư thế, thì cả xe cũng phải xoay chuyển theo cho phù hợp, y như xếp hình domino vậy.
Dù sao đi nữa thì sau bao nhiều gian truân, 2 đứa chúng mình cũng đã có thể hội họp với nhóm. Gặp lại nhau sau bao nhiêu khó khăn cách trở, ai cũng nước mắt lưng tròng, cũng may nhờ trời mưa to mới che giấu đi được.
(Ảnh: Rừng Trúc)
Sau một năm ngắt quãng vì covid đúng đợt mùa lúa chín, mình trở lại Mù Cang Chải với nhóm 4 người. Do thuê xe lên thẳng Mù Cang Chải, nên chuyến đi này chúng mình có nhiều sức để khám phá thêm những địa điểm mới.
Đầu tiên là mảnh đồi ở thung lũng Tú Lệ với "view" cực kỳ đắt đỏ. Mặc dù mùa lúa chín ở Tú Lệ đã qua, nhưng đây vẫn là một địa điểm hết sức "chill". Lần tiếp theo trở lại Tú Lệ, một bữa trưa phè phỡn ở trên đỉnh đồi, nhâm nhi tách cafe, đời chắc chả còn gì vui hơn thế. Đây là quả đồi được những người trong hội dù lượn khai phá gần đây, nhưng quả thực việc chúng mình đến được chỗ này hoàn toàn là ngẫu nhiên chạy đến.
(Ảnh: Thung lũng Tú Lệ)
Với địa điểm thứ 2 mình nhắc đến ở đây cũng theo cách tương tự. Chúng mình có hứng thú được nhìn một cây táo mèo có quả. Chúng mình được chỉ một con đường đi vào bản. Leo lên những con dốc cao, hỏi tiếp một vài người với câu hỏi chung là ở đâu có cây táo mèo có quả. Vì chúng mình không dự tính là đi sâu vào bản tới vậy, lại thường xuyên leo dốc cao 10 độ, nên chỉ một lát vạch xăng cứ liên tục chạm về đỏ. Ngay khi chuẩn bị bỏ cuộc vì hành trình vô định mà xe có thể hết xăng bất cứ lúc nào và trời bất chợt đổ mưa, chúng mình đến một ngã 3, một dãy tạp hóa của người dân địa phương. Tại đây chúng mình được anh chủ quán dẫn lên nhà anh với một vườn táo mèo có quả. Mình cũng chụp hú họa được tấm ảnh để lưu làm kỉ niệm. Quả thực là nó cũng không có gì đẹp cả, mình cũng biết điều đó từ trước. Nhưng hành trình tìm được nó mới là thứ thú vị.
(Ảnh: Cây táo mèo có quả)
Không những cho chúng mình đến được đích, ngay sau đó anh chủ quán chỉ cho chúng mình một hành trình mới. Ở ngã 3 này, con đường còn lại sẽ dẫn đến cánh đồng mà anh bảo đẹp. Chúng mình đi dọc theo con đường mà chỉ có những người dân bản địa đi vào. Và kết quả là chúng mình được thấy một cánh đồng lúa vô cùng ngoạn mục, một nơi chốn dành cho người dân bản địa, mà chúng mình may mắn được trở thành vị khách được mời chiêm ngưỡng.
Để kết thúc hành trình cho một buổi sáng hứng khởi, chúng mình quay trở lại với một quán homestay với một góc nhìn tuyệt đẹp. Mình có thể ngồi ở đây hàng tiếng đồng hồ mà không thấy chán. Mình có thể làm thuê không công, làm bất cứ công việc phục vụ nào được yêu cầu cho quán này, chỉ để mỗi sáng thức dậy mở mắt ra là thấy khung cảnh này hiện ra trước mắt.
(Ảnh: View từ một homestay tại Mù Cang Chải)
Bình luận :