Nhắc đến Điện Biên như một địa điểm du lịch thì thường chúng ta sẽ nghĩ về một điểm đến mang nhiều yếu tố lịch sử hơn là cảnh sắc hùng vĩ, ngoạn mục.
Điều đó hoàn toàn đúng nếu bạn đã từng đi trên sống khủng long ở Bình Liêu, đi qua biển mây Tà Xùa, Y Tý hay rong ruổi trên cung đường Hà Giang với những khúc cua mê hoặc.
Nếu bạn muốn 1 tấm ảnh gây ấn tượng về mặt thị giác, khác biệt hoàn toàn những vùng đất khác ở Điện Biên thì mình cũng phải mất rất lâu để suy nghĩ: Chỗ nào nhỉ?
Nhưng hãy nghe thử những điều này nhé. Cực Tây Việt Nam. Cột mốc số 0. Điểm giao nhau của 3 nước Việt Nam - Trung Quốc - Lào.
Nó vẫn thật lãng mạn theo cách nào đó phải ko?
(Ảnh: Cột mốc số 0 - Những người bạn từ Trung Quốc)
Vậy chúng ta cùng bắt đầu bài viết hôm nay. Điểm đến sẽ là: A Pa Chải thuộc tỉnh Điện Biên.
Bài viết sẽ chia thành 2 phần. Phần đầu tiên mình sẽ tập trung vào những ghi chú mà mình cho rằng có thể sẽ giúp ích cho bạn trong việc lên lịch trình phù hợp. Trong phần thứ 2 thì mình sẽ chia sẻ những trải nghiệm riêng của bản thân về hành trình.
Những ghi chú này của mình hoàn toàn không phải là "Review".
(Ảnh: Bản đồ từ thành phố Điện Biên đến A Pa Chải)
Để đến được với cột mốc số 0 trên A Pa Chải, chúng ta cần đặt chân đến thành phố Điện Biên và vượt quãng đường khoảng 260km. Bạn cũng có thể lựa chọn đi sang từ từ thành phố Lai Châu với quãng đường khoảng 300km. Nhưng lựa chọn đi từ Điện Biên Phủ theo mình là hợp lý hơn trên nhiều phương diện.
Đầu tiên phương tiện để di chuyển đường núi lý tưởng nhất vẫn luôn là xe máy. Địa hình đường núi thú vị ở điểm, cứ sau mỗi khúc cua một không gian mới lại được mở ra với những cảm xúc khác nhau. Chúng ta thay đổi góc nhìn liên tục, khi ở chân dốc ngước lên, khi ở giữa những khúc cua ngoằn nghèo phóng tầm mắt ngang ra, khi đứng nhìn từ trên cao nhìn xuống. Không gian mới luôn đi kèm với đó là những biến đổi của góc bóng nắng, sự thay đổi nhiệt độ hay thời tiết... Đương nhiên là chỉ có người lái xe máy với đôi mắt mở rộng, tầm nhìn không hạn chế, một cảm giác lái nhấn nhả theo nhịp ga, nhịp phanh hay những cú lắc hông vào cua mới có thể thực sự cảm thấy sự tự do của bản thân và hòa mình vào cái không gian đó.
Dù vậy, những người ngồi nhà và đọc những điều này, khi nghe lời khuyên chạy xe máy ở đường núi đều ít nhiều sẽ rùng mình vì tưởng tượng những rủi ro có thể xảy ra. Khi chúng ta ngồi trong một ngôi nhà an toàn và nghĩ về một nơi xa lạ, cái cảm giác bất an này là hết sức bình thường. Tuy nhiên nếu bạn đã từng một lần vượt qua khỏi vùng an toàn của bản thân thì ngay khi bạn đặt bước chân đầu tiên vào hành trình, mọi cảm giác lo lắng hay những linh cảm bất an đó dường như tan biến ngay. Mình nói ra điều này trước, để bạn (nhất là những người trẻ) hiểu rằng, đừng để nỗi sợ kìm hãm bạn trong vòng an toàn đó, sự tự do ở những chuyến đi sẽ mang lại cho bạn nhiều thứ ở tương lai vượt xa hơn nhiều những rủi ro tiềm tàng đó.
Và một lần nữa như trong bài viết Mù Cang Chải mình vẫn cần nhấn mạnh rằng, đừng để nỗi sợ làm bạn quay đầu, hãy cứ luôn tiến về phía trước đừng dừng lại, nhưng phải nhớ rằng luôn trang bị cho mình đủ những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết, hiểu những rủi ro và giữ cho mình tâm thế của một kẻ khiêm nhường.
Những điều mình nói ở trên, không chỉ là câu chuyện về việc lái xe máy ở đường núi. Có thể bạn còn trẻ và chưa thực sự hiểu hết những điều mình muốn gửi gắm. Nhưng ãy tin tưởng mình ở điều này với tư cách một người đi trước (luôn nhìn về thế hệ sau với sự ngưỡng mộ và hi vọng): sự tự do của mỗi chuyến đi du lịch là cách tuyệt vời để lấy được những nguyên liệu cần thiết tốt nhất cho một bạn trẻ, vừa có thể phát triển được cá tính riêng của tự do cá nhân vừa có thể hòa hợp được với con người xã hội bị ràng buộc bởi những trách nhiệm cộng đồng.
(Ảnh: Cây cầu dẫn vào bản dân tộc Nà Sự)
Dẫn dắt một chút đi xa khỏi chủ đề chính, nhưng có lẽ qua 2 bài viết đầu tiên về chủ đề du lịch, bạn cũng đã dần hiểu tại sao mình lại đều in đậm ngay dòng chữ: Những ghi chú này của mình hoàn toàn không phải là "Review" ở ngay phần mở đầu rồi.
Quay trở lại với hành trình A Pa Chải, với lựa chọn đi xe máy từ thành phố Điện Biên lên chúng ta sẽ đối mặt với một số vấn đề sau.
Đầu tiên chúng ta cần vượt qua một hành trình rất dài. 260km một chiều, tức khoảng 520km cả đi lẫn về. Trong thực tế như chuyến đi của chúng mình thì tổng quãng đường phải vượt là gần 600km, và hầu hết là đường núi với rất nhiều khúc cua và con dốc. Điều này đòi hỏi bạn phải có sự chuẩn bị sẵn cả về sức khỏe và tinh thần, đồng thời có một kế hoạch phân phối sức lực phù hợp. Mình sẽ nói sâu hơn về lịch trình của nhóm mình trong phần 2 của bài viết.
Vì đây là một cung dài và tốn sức, nên A Pa Chải không nên là một trong những cung đường lựa chọn đầu tiên trong hành trình khám phá thế giới của các bạn trẻ. Việc tích lũy kinh nghiệm dần dần qua những cung đường khác dễ hơn không những giúp cho chuyến đi tới vùng đất A Pa Chải này của bạn trở lên an toàn hơn, mà còn giúp bạn có thể biết cách tận hưởng chuyến đi này nhất.
(Ảnh: Một đoạn trên đường đến A Pa Chải)
Mình đến với A Pa Chải vào giữa tháng 2/2023. Đường đi tới A Pa Chải khá dễ đi, đường làm đẹp, cũng có nhiều khúc cua dài, uốn lượn nhưng độ dốc không quá lớn. Về địa hình núi ở Điện Biên cơ bản là các dãy núi thấp, nhiều đoạn dài hầu như là một đường chạy ngang núi nên đa số mình đều có thể chạy số 3 và số 4 giống như đường đồng bằng.
Mình có thể chia đoạn đường từ Điện Biên Phủ lên A Pa Chải thành 3 phần.
Đoạn đầu tiên là từ Điện Biên Phủ lên Mường Chà khoảng hơn 50km. Đường này chạy dọc theo quốc lộ 12 để đi sang Lai Châu, đường lớn ít khúc cua, rất dễ đi và không tốn sức mấy. Thị trấn Mường Chà rất sầm uất và đông đúc không thua gì một thị trấn ở miền đồng bằng nhé.
Từ thị trấn Mường Chà rẽ trái, từ đây xe sẽ liên tục đi hướng về hướng Tây hoặc Tây Bắc, cảm nhận về cực Tây càng lúc càng rõ rệt hơn. Khác hẳn với hành trình bằng phẳng của đoạn đầu tiên, ngay lập tức chúng mình phải bắt đầu với 1 con dốc cao và rất dài. (Mình có quay lại video nhưng chưa đưa lên youtube để đính kèm được) Tuyến đường liên huyện cũng bé hơn so với đường quốc lộ, nhưng theo mình là vẫn rất đẹp cho việc chạy xe, nhất là khi so sánh với các tuyến đường liên huyện của các tỉnh khác. (Hoặc cũng có thể do lần gần nhất mình chạy Y Tý theo cung Mường Hum nên giờ thấy đường nào cũng thành ra siêu phẩm *cười*)
Từ Mường Chà chúng ta cần vượt qua quãng đường khoảng 140km để đến được thị trấn Mường Nhé. Trên đường đi chúng ta sẽ đi qua bản Nà Sự cách Mường Chà khoảng 60km. Trong phần 2 bài viết, mình sẽ chia sẽ những trải nghiệm rất thú vị của nhóm chúng mình tại bản này.
Thị trấn Mường Nhé mặc dù nằm rất xa thành phố Điện Biên (190km) và cũng cách xa quốc lộ (140km), lại nằm trên 1 tuyến đường cụt nhưng vẫn rất khang trang và có đầy đủ cơ sở vật chất. Quán cà phê mà chúng mình dừng chân xịn xò và đầy đủ không thua gì một quán cafe tại Hà Nội cả.
Thường với đường núi, nhất là một đường cụt không thuận lợi cho giao thương, lại trải trên một quãng đường dài tới 140km, việc tìm thấy rất nhiều cây xăng to trên đường cũng là một bất ngờ thú vị nữa đối với chúng mình. (Thông thường các tỉnh chỉ tập trung nguồn lực đầu tư vào những vùng trong tỉnh có mật độ dân cư đông và lưu lượng xe cộ qua lại đông.)
Phần cuối cùng của hành trình là quãng đường hơn 50km từ thị trấn Mường Nhé đến đồn biên phòng A Pa Chải. Đoạn đường này bé hơn nhưng vẫn rất dễ đi nhé. Điều cần chú ý là không có cây xăng dọc đường đâu. Bạn cần tính toán lượng xăng hợp lý để tránh dắt xe dọc đường, vì mật độ dân cư trên đoạn đường này khá thưa thớt, bạn không dễ dàng để có được sự trợ giúp khi cần. Khi đến A Pa Chải, sẽ có điểm bán xăng nhỏ của người dân dọc đường.
Sau khi vào đồn biên phòng để khai báo thông tin, một "chú bộ đội" sẽ dẫn bạn đi lên điểm leo cột mốc số 0. Đoạn đường khoảng 5km này vẫn chạy xe máy được và không hề quá khó đi. Sau đó bạn cần leo tiếp đường núi khoảng 3km, leo bằng gì thì bạn cứ đến rồi sẽ biết *cười*. Khi đi hết quãng đường bằng bê tông, bạn cần leo thêm khoảng 800m bậc thang là sẽ đến được cột mốc số 0.
(Ảnh: Điểm bắt đầu "leo" cực Tây)
Trên đây là một số ghi chép của mình về những cung đường trong hành trình từ thành phố Điện Biên đến cực Tây đất nước. Đây là một hành trình dài và hao sức, nên mình nghĩ bạn cũng cần có những quan tâm nhất định đến vấn đề thời tiết.
Chúng mình lựa chọn thời điểm giữa mùa xuân và mình nghĩ đây là một thời điểm khá thích hợp vì những nguyên nhân sau.
Đầu tiên là bạn sẽ không sợ những cơn mưa vì đây là mùa khô của Điện Biên. Mưa hầu như đều là cơn ác mộng của mọi chuyến du lịch bằng xe máy, nhất là với 1 quãng đường núi dài. Những cơn mưa sẽ làm tiêu tốn rất nhiều sức lực, làm bạn mất tập trung và đối diện với nhiều rủi ro hơn. Thời tiết Điện Biên có thể nói là 4 mùa với biên độ nhiệt thay đổi đổi lớn trong ngày, nếu kết hợp với những cơn mưa lạnh bất chợt hoặc dầm dề đều có thể đánh gục bất cứ một người khỏe mạnh nào sau một hành trình tốn sức.
Nguyên nhân thứ 2 cũng khá thú vị. Như đã nói ngay từ đầu, núi ở Điện Biên đa phần là núi thấp với cảnh sắc có phần là đơn điệu hơn so với những tỉnh thành Tây Bắc khác. A Pa Chải thường lại là điểm đến sau khi mọi người đã trải nghiệm sự hùng vĩ và ngoạn mục của những vùng đất khác. Khi bạn đi vào mùa hoa mơ, hoa mận, hoa đào sẽ giúp cung đường của bạn thêm màu sắc và thi vị hơn.
Như vậy có thể tóm gọn lại là hoa nở, trời đẹp thì xách ba lô lên và đi.
(Ảnh: Cây đào cổ thụ trên đường "leo" cực Tây)
Với những ghi chép trên của mình, có lẽ không khó để bạn tưởng tượng ra một lịch trình phù hợp cho chuyến đi của mình. Nhưng như mình đã luôn nhấn mạnh, lịch trình chỉ là một ý tưởng phác thảo và bạn nên giữ cho nó sự linh hoạt để đón nhận những điều không nằm trong kế hoạch. Cột mốc số 0 suy cho cùng cũng chỉ là một lát cắt của chuyến đi, hành trình mới là thứ chúng ta tận hưởng còn những bất ngờ mới tạo ra những trải nghiệm thú vị, là thứ chúng ta chỉ có được khi dám bước chân ra khỏi vùng an toàn của bản thân.
---
"Người ta sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích. Có kẻ tưởng mình là ông chủ, mà thật ra còn nô lệ hơn cả tôi tớ của họ."
(Trích "Khế ước xã hội" - Rousseau)
Xã hội hiện đại tràn ngập những quy tắc mà hầu như do sự phức tạp và đồ sộ quá mức của chúng, chúng ta không còn khả năng phân biệt được đâu là những khế ước xã hội cần thiết hay đâu là những nhà tù vô hình giam hãm trí tưởng tượng của bản thân.
Việc đi du lịch là một trong những cách để giải đáp câu hỏi trên. Điều quan trọng là nó đơn giản và dễ thực hiện.
---
Vùng đất Điện Biên đối với mình gần như một cảm hứng hay sâu sắc hơn thì nó là một ý tưởng khởi nguyên tạo nên bản thân mình của bây giờ.
Mình đến Điện Biên lần đầu vào năm lớp 4. Vào thời điểm những năm 2000, việc di chuyển từ Thái Bình lên Điện Biên là một hành trình rất xa. Thế giới của mình ngày bé là những ngóc ngách trong một ngôi làng với biên giới là cánh đồng và dòng sông. Trước đó mình cũng có 1 vài chuyến đi lên Hà Nội, nhưng luôn dưới đôi mắt giám sát của người lớn và có phần nhiều giống một cuộc dạo chơi ngắn hơn. (Bạn có thể đọc tập truyện "An Encounter" trong Dubliners của James Joyces sẽ hiểu rõ hơn về những sự liên kết mình đang muốn nói ở đây)
Điện Biên ngày ấy của mình là đèo Pha Đin huyền thoại, với những khúc cua cực gấp. Là những dãy núi cao chót vót, một điều hết sức xa lạ với 1 đứa ở Thái Bình như mình. Là những thung lũng sâu hun hút, nơi mình gọi những con bò là những con gà vì kích thước bé xíu của chúng.
Điện Biên là nơi có ngọn đồi đầu tiên mình leo. Là giấc mơ leo núi cao hái phong lan không được người lớn cho phép. Là những chú tắc kè hoa, là những vườn nhãn rộng bạt ngàn, là những ngôi nhà đầy ngô trên mái.
Mình chia tay Điện Biên với lũ trẻ con mới thân. Vào ngày cuối cùng chúng dẫn mình đến một cái cây kì lạ với một bông hoa màu tím đang sắp nở.
Mình trở lại Điện Biên vào năm 2018. Khác với ngày xưa, lần này mình đến với Điện Biên khi đã qua hầu hết mảnh đất ở Việt Nam. Biên giới của mình khi này, thành thực mà nói, chỉ còn là các khế ước xã hội.
Điện Biên giờ đã nhỏ bé hơn trong mắt mình. (Quả thực Điện Biên giờ đi lại dễ hơn rất nhiều và không còn đi theo đèo Pha Đin cũ như trước) Mình đến Điện Biên theo cách chủ động tìm đến, chứ không còn là một phần thưởng được người khác dành cho.
Như vậy không có nghĩa là Điện Biên 2018 của mình sẽ ít thú vị hơn so với 2001. Như mình đã nói ở trên, việc có nhiều kinh nghiệm và kiến thức hơn sẽ giúp mình hiểu được thực sự mình muốn gì ở mỗi chuyến đi, biết cách quan sát tốt hơn, biết cách tận hưởng chuyến đi hơn, ví dụ với mình là biết cách để những bất ngờ thú vị trong sự kiểm soát có thể xảy ra. Mình để ý nhiều bạn bè mình đi du lịch với mục đích giúp xả stress trong cuộc sống (rồi chúng ta hay nói vui là, việc đi du lịch là việc đi từ một chỗ ta chán đến 1 chỗ mà thằng khác chán). Điều thú vị là mình chưa đi du lịch vì điều đó bao giờ cả. Đơn giản là mình rất ít khi stress *cười*. Lần stress thực sự của mình là vào năm 2020 khi mình buộc phải thừa nhận rằng xã hội mà chúng ta đang sống vẫn còn bị "tê liệt" (paralysis) một cách rất "Dublin".
Mình nghĩ rằng câu trích dẫn của Rousseau phía trên, có thể nhìn theo 1 góc khác, sự can đảm là một phẩm chất mà hầu hết chúng ta đều không sở hữu để có thể nắm được lấy tự do (trong ngoặc kép).
Mình biết đến cực Tây A Pa Chải cũng từ chuyến đi Điện Biên 2018 này nhưng có vài lí do mình chưa thể đến được. Và mình đã trở lại trong chuyến đi Điện Biên 2023 này. Sau khi đã trải qua, mình nghĩ đã có một chuyến đi trọn vẹn.
Ở đây mình sẽ chỉ ghi chép lại một vài chi tiết.
Điều thú vị đầu tiên: Hà Sơn Hải Vân và Hải Vân lại là 2 nhà xe khác nhau. Hăm hở đặt xe để trải nghiệm nhà xe xịn xò nhất Việt Nam chỉ để ăn búp - phê lần nữa mà bị hụt.
Sau đó chúng mình chạy xe qua một rừng cây kì lạ trên đồi và sau đó mới phát hiện ra chính là cây cao su. Loại cây mình đã luôn nghĩ vốn không được trồng ở Tây Bắc.
Quả bắt tay hữu nghị Việt Trung sau một hồi xì xà xồ ở trên cột mốc số 0 cũng rất chi là "biểu tượng" *Cười*. (Cột mốc hiện mới có đường bậc thang lên từ 2 phía Việt Nam và Trung Quốc, phía Lào chưa mở đường cho khách du lịch lên)
Chúng mình cũng thực sự đặt chân sang bên Lào ở cửa khẩu Huổi Lả.
Và phần hay nhất sẽ luôn nằm ở cuối cùng. Đối với chuyến đi này là bản Nà Sự.
Trong lịch trình của chúng mình, điểm đến này vốn chỉ thoáng qua trên Google Maps với hình ảnh guồng nước, như 1 địa điểm chụp hình đẹp. Chúng mình thậm chí chỉ phát hiện ra nó khi đứng ở trên lừng chừng dốc nhìn xuống thung lũng và thấy những lớp mái nhà hồng san sát. Chúng mình quyết định quay ngược lại và xuống bản để tìm kiếm chỗ ăn trưa. Và ngay lập tức đã nhận ra điều này đúng đắn thế nào.
Chúng mình thấy một cây trứng gà với quả siêu mini, nên đánh bạo vào nhà dân hỏi xin.
Sau đó chúng mình được một nhà dân chia sẻ lại cho ít thịt lợn rừng gác bếp. Sợi thịt rất mềm và thơm nhé.
Bản thực sự rất đẹp và người dân cũng hết sức nhiệt tình. Chúng mình quyết định thay đổi lịch trình để có được một buổi tối nghỉ ngơi tại bản Nà Sự này vào ngày hôm sau.
Chúng mình đã có một buổi tối đốt lửa trại bên bờ suối ngay dưới chân cầu. Chúng mình nhảy múa, hát hò, uống rượu chung vui, rồi cùng nhau nhảy sạp. Rất nhiều trẻ con và người dân trong bản cũng đến. Ban đầu mình nghĩ là cả bọn tới sớm, nhưng sau một lúc chúng mình cũng nhận ra chúng mình là những vị khách duy nhất của bản trong tối nay.
Sáng hôm sau chúng mình chơi ném còn. Đây là trò chơi dân gian của người dân tộc vùng Tây Bắc vào mỗi dịp lễ hội đầu năm để cầu may mắn và mùa mang bội thu. Quả còn được dệt bằng vải nhiều màu với hạt thóc ở bên trong, mục tiêu là quăng vào được vòng tròn lớn trên đỉnh cây tre.
Chúng mình cũng có 1 video ném còn hết sức vi diệu.
Bình luận :