Đọc báo trả phí liệu có khả thi?

Giá: 10.000₫

Hỗ trợ online: Mipiche Mipiche Mipiche
 

Số lượng:

(Nội dung bài viết cập nhật gần nhất 7/2022)
Với công cuộc số hóa mọi thứ trên internet, cách chúng ta tiếp cận với thông tin thay đổi chóng mặt. Các hình thức của báo chí hiện tại cũng khác xưa rất nhiều.

Ảnh 1: Đen - Lối Nhỏ (Youtube Đen Vâu Official)

Báo giấy là kẻ bị bỏ rơi trong công cuộc này. Dù chưa bị xóa sổ hoàn toàn, nhưng hình thức báo giấy (ảnh 1) chủ yếu mang tính hoài niệm cho những người yêu thích nét cổ điển. Dưới góc nhìn nguồn lực tài nguyên và xã hội thì giấy được in ra với mục đích chính tiếp cận tin tức hàng ngày rồi bỏ đi chính xác là một sự lãng phí lớn.

Tuy vậy, ở 1 thị trường ngách hẹp, có một dạng báo chí dưới hình thức tạp chí chuyên môn cao vẫn đang tồn tại và hoạt động hiệu quả. Ngay cả khi các tạp chí này xuất bản song song với ấn phẩm điện tử.

Do tạp chí chuyên môn thường được lưu trữ như một cuốn sách, cần sử dụng nhiều lần và có tác dụng tra cứu, nên không gây ra lãng phí như báo giấy. Ngoài ra nó cho phép người đọc duy trì sự tập trung tối đa vào các vấn đề trong đó, đây là điều rất quan trọng và cần thiết khi tiếp cận với các vấn đề chuyên môn, chuyên sâu.

Ảnh 2: Tạp chí Pi (https://pi.edu.vn/)

Hiện tại báo giấy được thay thế bằng báo điện tử. Với sự xuất hiện của các mạng xã hội (viết tắt: MXH) hay các nền tảng giải trí, báo chí giờ nên được hiểu theo nghĩa rộng hơn là bất cứ nền tảng nào cung cấp thông tin đến cho người sử dụng. Thực tế thì với giới trẻ gen Z, ý niệm đọc báo hoàn toàn ám chỉ đến việc lướt Facebook và vuốt Tiktok.

Dù khác nhau về mặt hình thức, nhưng hiện mô hình "báo chí" chủ yếu vẫn là đi theo hướng cung cấp thông tin cho người đọc một cách "miễn phí". "Miễn phí" trong ngoặc kép vì thực ra chúng ta đem trao đổi những thứ mà hiện tại ta nghĩ là miễn phí: thời gian bản thân và thông tin cá nhân. Nhưng có những người khác không nghĩ vậy, họ sẵn sàng trả tiền cho 2 loại hàng hóa trên, dễ gặp nhất là những người chạy quảng cáo.

Việc quảng cáo trên các nền tảng báo chí ban đầu khá lộ liễu và thiếu tinh tế, kiểu "Đây là chỗ dành cho quảng cáo".

Nhưng với sự phát triển của các kĩ thuật phân tích thông tin, quảng cáo trong các nền tảng báo chí đã phát triển tới đỉnh cao. Mô hình đã hoàn thiện tới mức đảm bảo mọi người tham gia vào mô hình đều có được sự hài lòng về những gì mình tìm kiếm, và những phiền toái là không đáng kể so với thứ đạt được.

Tóm lại, công cuộc của báo chí với góc nhìn là một kênh phân phối thông tin gần như đã hoàn thiện về mặt mô hình với điểm trung tâm mà tất cả chúng ta đều đồng thuận rằng thông tin cần được cung cấp miễn phí. Công việc hiện tại của báo chí chỉ là tìm ra các dòng code mang tính kỹ thuật để đạt được hiệu suất cao nhất của các nguồn lực. (Mình sẽ có một bài viết sâu về chủ đề này trong mối liên hệ với thương mại điện tử.)



Ảnh 3: Màn hình chính Google Adwords (Youtube: Google Ads)

Tuy nhiên trong dòng chảy vĩ đại trên, vẫn có những vết gợn, sau cùng được tách ra thành một dòng chảy bé bên cạnh. Đó là ý tưởng về thông tin cần được tính phí.

Như ngay phần mở đầu mình có nói, báo giấy vẫn còn tồn tại dưới dạng các tạp chí mang tính chuyên môn, học thuật cao như các tạp chí về Toán, Vật Lý. Sự tồn tại của nó, gợi ý vẫn còn một vùng đất nhỏ mà mô hình báo chí miễn phí chưa thể đáp ứng tốt được, đó là vùng đất chứa những thông tin mang tính chất chuyên sâu.

Các chủ đề chuyên sâu là các bài viết hay video mà người đọc, người xem không chỉ tiếp nhận thông tin một cách thụ động, một chiều, mà cần sự tư duy sâu, khả năng liên kết các vấn đề và các cuộc thảo luận.

Với Tiktok thì việc xuất hiện các bài viết chuyên sâu ít khả thi, vì đây là nền tảng giải trí dựa trên video ngắn. Báo điện tử hay youtube, facebook có tỉ lệ xuất hiện cao hơn, nhưng vẫn là rất thấp. Các nền tảng phổ biến này về cơ bản vốn không phải là môi trường tốt để "nuôi dưỡng" các bài viết chuyên sâu. Mình có lí giải phần nào ở trong nhận xét chủ đề này. Bạn có thể dừng ở đây và đọc phần đó trước để hiểu rõ hơn các vấn đề của một nền tảng như facebook.

Như vậy, các nền tảng cung cấp thông tin miễn phí là một phần không thể thiếu của xã hội hiện đại, nó thúc đẩy và đóng góp rất nhiều cho nguồn tri thức của nhân loại và hướng đến một xã hội tốt đẹp, văn minh hơn. Tuy nhiên do những hạn chế nội tại trong mô hình, có nhiều vấn đề mà các nền tảng này không thể giải quyết được. Một trong các vấn đề đó là khả năng duy trì tập trung cho các vấn đề chuyên môn, chuyên sâu. Cũng có một số lập luận rằng, việc tập trung là vấn đề mang tính cá nhân và đó là lỗi của người xem/ người đọc khi không biết cách sử dụng hợp lý MXH. Đúng là mình có gợi ý (phần thảo luận dưới) một số cách sử dụng MXH để đỡ lãng phí thời gian vô ích hơn, tuy nhiên bản chất của các nền tảng này chưa bao giờ được thiết kế để người xem / người đọc đạt được sự tập trung tối đa, vì mục tiêu đó sẽ ảnh hưởng đến miếng cơm của họ.

Hai thứ cần bỏ tiền ra mua, sách và tạp chí chuyên môn vẫn có một chỗ đứng trong thời đại mọi thứ đều số hóa. Lợi ích dễ thấy nhất là nó giúp chúng ta có được sự tập trung tối đa vào nội dung trong chúng.

Điều đó gợi ý rằng, cho dù các nền tảng cung cấp thông tin miễn phí có phát triển và hoàn thiện tới đâu đi chăng nữa, mô hình cung cấp thông tin cần trả phí vẫn cần thiết và có một vai trò nhất định trong xã hội.

Với báo điện tử thì mô hình trả phí (tiếng anh: paywall) yêu cầu bạn trả tiền cho mỗi bài viết hoặc trả phí thành viên để xem tất cả nội dung. Mô hình đọc báo mạng trả phí ngay từ khi bắt đầu đã có nhiều tranh cãi và hoài nghi về tính khả thi. Đến bây giờ vẫn vậy. Hầu như chúng ta vẫn đều đang mặc định là thông tin "phải" được miễn phí.



Ảnh 4: Bức tường phí của Times (https://www.thetimes.co.uk/)

Tạp chí "The Times" của Anh đánh dấu chính thức sự bắt đầu của mô hình này với một bức tường "cứng" (hard paywall) được dựng lên vào 2010. Đến hiện tại thì mô hình này đang được khá nhiều tờ báo lớn, uy tín trên thế giới áp dụng. Nó hiện tại được chia làm 3 mô hình: bức tường cứng, bức tường mềm và hỗn hợp. Việc dựng lên một bức tường, ngay lập tức sẽ gây ra việc sụt giảm số lượng người đọc và đi cùng với đó là doanh thu từ quảng cáo, tức là đánh trực tiếp vào bài toán sống còn của mỗi tờ báo. Con đường để đi tới thành công cho mô hình này phải hội tụ rất nhiều yếu tố cùng lúc. Đi sâu về vấn đề này, bạn có thể tìm hiểu thêm trên mạng. Vì đây là một chủ đề mà cả thế giới cùng quan tâm nên có rất nhiều bài viết chất lượng với dẫn chứng số liệu cụ thể.

Ở Việt Nam hiện tại có Vietnamplus là đơn vị báo mạng đầu tiên đi theo mô hình thu phí vào năm 2018. Câu hỏi là Vietnamplus có thành công không? Câu trả lời là chưa. Một số lý do có thể kể ra như việc chuyển đổi sang trả phí, hầu như chỉ khả thi với những trang báo đã có một chỗ đứng chắc chắn với lượng người đọc trung thành lớn. Việc thanh toán điện tử là rất dễ dàng. Chất lượng bài viết phải ở một mức độ chuyên môn rất cao và hoàn toàn độc quyền. Quan trọng nữa vẫn là ở trình độ của người đọc và môi trường văn hóa đọc của xã hội. Hầu như tất cả các đặc điểm cần có để hội tụ thành công ở Việt Nam đều không có hoặc không đủ cả về lượng và chất.



Ảnh 5: Bức tường phí của Vienamplus (https://pay.vietnamplus.vn/)

Tóm lại, Vietnamplus ngay từ khi bắt đầu, không khó để họ nhận thức được các vấn đề này, thậm chí là sâu sắc hơn bất cứ ai đọc bài viết này. Câu chuyện đọc báo trả phí đi tới được thành công là không khả thi ở hôm nay. Họ đặt cược vào một nền báo chí lành mạnh hơn ở tương lai. Sự dũng cảm của họ trong việc đặt những viên gạch đầu tiên đó vẫn là một sự tử tế đáng ghi nhận.

Báo chí Việt Nam đa phần là những tin tức ít giá trị chuyên môn, đấy là còn nói giảm và nói tránh rồi, chứ thực sự không những nhảm mà còn độc hại với combo cướp giết hiếp, ngoại tình, drama các kiểu. Do người đọc bị thu hút nhiều nhất với các tin nhảm, tin rác, với các bất hạnh của người khác; nên các trang báo để tồn tại và đạt được lợi nhuận thì phải đáp ứng nhu cầu đó. Các chủ biên tập than phiền rằng làm báo tử tế thì chỉ có chết đói vì trình độ người dân và văn hóa đọc ở mức rất thấp. Những người đọc thì lại than phiền rằng họ bị ảnh hưởng từ môi trường báo chí độc hại. Thực tế thì rất nhiều xu hướng của giới trẻ và xã hội hiện nay được định hình từ các MXH, vì MXH lan tỏa thông tin mạnh mẽ, tức thời và có sức ảnh hưởng đến tiềm thức sâu sắc hơn nhiều.

Câu chuyện này như một cái vòng luẩn quẩn. Có những chủ biên tập lắc đầu ngao ngán chiều theo thị trường vì sự sống còn của sạp báo. Có những ông chủ nền tảng MXH đứng sau bóng tối như những người điều khiển rối thì nở nụ cười mỉa mai, giễu cợt với thứ quyền lực có thể trói buộc suy nghĩ người dùng, dẫn dắt họ hành động chỉ bằng các thuật toán.

Cái vòng luẩn quẩn trên còn tác động tiêu cực tới những người sáng tạo nội dung. Vì nội dung dễ dãi, không cần kiểm chứng, miễn là thu hút được sự chú ý của người đọc/ người xem, nên cái giá để trả cho một bài viết là cực kỳ rẻ mạt. Thậm chí nhiều sạp báo còn trả tiền cho người viết theo đơn giá 10đ/ từ.

Điều này vô hình chung làm hạ giá cả các bài viết có sự đầu tư, chất lượng cao. Với bài toán lợi nhuận tính bằng doanh thu quảng cáo cao và chi phí hoạt động rẻ, những người viết bài chuyên môn không thể nào cạnh tranh với những bài viết tạo ra sóng drama. Với một người sáng tạo nội dung ở trình độ chuyên môn cao, việc trả một cái giá rẻ mạt cho một bài viết tốn nhiều công sức là sự xúc phạm với họ. Hậu quả nghiêm trọng nhất của cái vòng luẩn quẩn này là triệt tiêu mong muốn sáng tạo của mỗi cá nhân. Nhìn rộng ra một chút thì đây là vấn đề chung của hầu hết các lĩnh vực ở Việt Nam. Một xã hội cần được thiết kế để thúc đẩy, cổ vũ mong muốn sáng tạo của mỗi cá nhân và bảo vệ được quyền lợi với các sáng tạo đó. Điều đó phải thuộc về bản chất nội tại của xã hội, chứ không phải chỉ hình thức khẩu hiệu bên ngoài. (Mình sẽ cố gắng đi sâu hơn về chủ đề này trong Thread 'Khế ước Xã hội")

Qua những phân tích sơ bộ trên, chúng ta vẫn đồng ý với nhau rằng mô hình thông tin được cung cấp miễn phí vẫn sẽ là dòng chảy chủ đạo, nhưng như đã nói ở ngay khi bắt đầu, từ "miễn phí" vẫn có một cái giá, chỉ khác là không có một con số cụ thể để đo lường. Thời gian của chúng ta dành cho quảng cáo, sự tập trung, thông tin cá nhân, tự do ý chí trong việc ra quyết định. Trong trường hợp, bạn thấy thỏa thuận trao đổi đó là không ngang giá, bạn sẽ trở lại với vật ngang giá cơ bản nhất là tiền. Các nội dung bây giờ không còn miễn phí nữa, mà cũng có thể được định lượng bằng tiền. Bạn cần trả cho người viết hoặc chủ sạp báo một số tiền để được phép tiếp cận nội dung bài viết. Ở đây chúng ta đã thấy sự xuất hiện của nguồn cầu về các bài viết chất lượng cần trả phí. Nguồn cung như phân tích bên trên cũng sẵn có với những cá nhân không muốn chất xám của mình bị rẻ rúng.

Như vậy, câu chuyện của chúng ta vốn dĩ không phải là "Đọc báo trả phí có khả thi hay không?" mà là đi tìm một mô hình phù hợp nhất cho việc đọc báo trả phí.

Với các nền tảng thông tin cung cấp miễn phí cho người đọc, như đã nói, chúng có những bước phát triển kinh ngạc với sự trợ giúp của công nghệ. Mô hình của nó gần như hoàn hảo. Trái ngược lại, mô hình đọc báo trả phí trong thời đại số vẫn còn rất sơ khai, hầu như không có nhiều đột phá về mặt mô hình. Bạn có thể dạo qua một vòng tới: Vietnamplus và The Times là có thể đoán sơ bộ được cách hoạt động của mô hình. Về cơ bản vẫn chỉ là dựng lên các cổng trước trang báo hay trước mỗi bài viết để thu vé người xem.

Việc thu phí của các trang báo nước ngoài ban đầu cũng có rất nhiều nghi ngờ về tính khả thi, thậm chí đã ghi sự sụt giảm đột ngột về số lượng người đọc. Tuy vậy, sau những khó khăn ban đầu thì đến hiện tại các tờ báo lớn này đều đã trụ vững và bước qua giai đoạn chuyển tiếp để thu phí toàn bộ các bài viết.

Vietnamplus thì không có nhiều thuận lợi trong quá trình chuyển đổi như vậy. Thực tế thì nếu nhìn qua một lượt những bài viết, hầu hết người đọc đều chưa sẵn sàng để trả cho các bài viết đó một cái giá.

Điểm đầu tiên là nội dung mô tả bên ngoài cho bài viết chưa đủ dài và sâu, để người đọc có thể đánh giá sơ bộ về chất lượng chuyên môn của người viết hay khả năng xuất hiện những ý tưởng mới lạ. Thực ra The Times cũng để phần mô tả cho mỗi bài viết cực ngắn, có vẻ họ rất tự tin vào vị thế của họ cùng chất lượng mỗi bài viết trên báo. Tuy nhiên, để mà nói Vietnamplus cũng có sự tự tin đó nghe có gì đó chưa ổn lắm. Ở đây, có lẽ chủ báo hướng mọi người đến dạng trả phí cho tất cả bài báo theo ngày, theo tuần hơn là hình thức trả phí theo từng bài. Việc định giá các lựa chọn này theo mình là một vấn đề quan trọng và các số liệu cần thường xuyên được thu thập phân tích để ra quyết định tối ưu nhất. Do thiếu các số liệu cụ thể cần thiết, nên vấn đề này mình vẫn đang để ngỏ, rất mong chờ những thảo luận sâu hơn.

Điểm thứ 2 là phần lớn các bài viết trả phí của Vietnamplus là về chủ đề thế giới, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chính trị. Sự thiếu vắng các bài viết về chính Việt Nam cho cảm giác các bài viết thu phí vẫn mang tính chất tổng hợp thông tin từ các trang báo nước ngoài đăng tải. Cách làm dễ nhất và nhanh nhất để có được một bài báo chất lượng là dịch một bài viết trả phí trên trang báo nước ngoài sang Tiếng Việt. Đây chỉ là một nghi vấn rất tự nhiên và hoàn toàn với mục đích xây dựng trong sáng. Vì viết báo là một quá trình sáng tạo nội dung nghiêm túc, nên người viết cần một sự minh bạch về sản phẩm. Người đọc có quyền được thông tin đâu là bài viết được dịch, đâu là bài viết tổng hợp hay đâu là bài viết phần lớn là quan điểm và góc nhìn riêng của người viết. Sự minh bạch này cũng cho phép người đọc đánh giá được khả năng và sự chuyên nghiệp của người viết, điều đó ngược lại cũng tạo ra một lợi thế cạnh tranh cho chính người viết khi thị trường trả phí theo bài phát triển.



Ảnh 6: Facebook (Nguồn: https://www.theguardian.com/)

Chúng ta vừa thảo luận với một nền tảng báo chí dạng "truyền thống". Với một nền tảng báo chí kiểu mới như facebook, họ cũng từng có tham vọng thu phí với các bài viết của những người có sức ảnh hưởng. Điều này chỉ có thể khả thi khi nào fb thực sự quay trở lại thành 1 nền tảng kết nối xã hội thực nơi mỗi người đều được tự do chia sẻ những thứ tốt đẹp nhưng có trách nhiệm với những chia sẻ đó. (Việc thu hút và xâu xé nỗi bất hạnh của người khác thật kinh khủng, nhưng không phải cứ chia sẻ hạnh phúc của bản thân luôn là điều tốt đẹp, nó dễ dàng bước sang ranh giới của sự khoe mẽ hay làm trầm trọng thêm nỗi bất hạnh của người khác. Hãy nhớ các giới hạn này là rất mong manh, nhưng tác động tới mỗi cá nhân và xã hội là rất sâu sắc.)

Chúng ta cũng nghe về ý tưởng về một fb trả phí để trở lên sạch sẽ về nội dung hơn, đồng thời ngưng thu thập thông tin cũng như đặt quảng cáo. Vấn đề là fb vẫn là một công ty với mục tiêu lợi nhuận. Bài toán lợi nhuận giữa thu phí người dùng và thu phí quảng cáo hiển nhiên là quá rõ ràng để thấy câu trả lời rồi.

Nếu liên hệ với hình thức trả phí của Youtube là Youtube Premium, thì hình thức duy trì song song trả phí và miễn phí của Youtube khó có thể áp dụng cho fb được. Mô hình trả phí của Youtube có thể khả thi vì nó kết nối kênh sáng tạo nội dung với các cá nhân, nó khá tương đồng với truyền hình trả phí. Trong khi đó fb lại là mối quan hệ giữa các cá nhân với nhau.

Cũng nói về Youtube Premium, thì Google vẫn chưa hỗ trợ cho thị trường Việt Nam. Mình chưa có những trải nghiệm cụ thể, nhưng nếu nhìn ở góc độ kinh tế, thì Youtube có lẽ cũng sẽ đi theo hướng mua lại nội dung để độc quyền như Netflix thì mới có thể đẩy mạnh được mảng trả phí này. Nếu chỉ dừng lại ở lợi ích lớn nhất của việc trả phí là việc không phải xem quảng cáo hay tính năng phát nhạc khi tắt màn hình, thì người dùng sẽ không sẵn sàng trả nhiều tiền cho việc đó. Bài toán cân đong đo đếm lợi nhuận giữa thu phí chèn quảng cáo và thu phí người dùng cũng là quá rõ ràng. Với tiền phí thấp, bản thân Youtube cũng không có nhiều động lực trong việc từ bỏ mô hình đang hái ra tiền hiện tại.

Với Youtube và Facebook, câu chuyện thu phí người dùng còn khó khả thi vậy, thì với nền tảng định hướng giải trí như Tiktok, việc này thực sự có vẻ xa vời.

Có thể thấy báo điện tử và các nền tảng công nghệ lớn nhất hiện tại vẫn chưa tìm ra một mô hình tối ưu với hình thức tính phí người đọc, người xem cho các thông tin dạng báo chí. Nhưng ở một hình thức thu hẹp hơn về đối tượng tiếp nhận thông tin, chuyên sâu hơn về nội dung, hình thức trả phí cho các khóa học trực tuyến lại đang phát triển rất tốt. Nếu chúng ta chấp nhận mở rộng ý nghĩa của từ báo chí là bất cứ nền tảng nào cung cấp thông tin cho nhiều người, thì ít nhiều cũng thấy sự liên quan trong chủ đề thảo luận này.

Việc chuyển đổi số cho trường học sang trực tuyến là thay vì đến trường đóng học phí thì nhà trường tải hết các chương trình giảng dạy của mình lên mạng và sẽ tính phí theo từng môn hoặc cả khóa học. Con đường có hệ thống và có chiều sâu để dẫn đến tri thức không còn là duy nhất. Việc này vô hình chung đặt ra yêu cầu cho việc định nghĩa lại khái niệm nhà trường hay đòi hỏi một sự mở rộng hơn cho định nghĩa nhà trường, cùng với các mối quan hệ xã hội liên quan. Tạm thời chúng ta chưa bàn đến những gì quá phức tạp.

Có rất nhiều nền tảng giáo dục trực tuyến lớn hiện tại, nhưng để tìm ra một cái tên chất lượng và phổ biến thì hầu hết sẽ nghĩ ngay đến Coursera.

Trong trường hợp bạn vẫn còn lạ lẫm với giáo dục trực tuyến, thì đây là một website tuyệt vời để bắt đầu và trải nghiệm.



Ảnh 7: Coursera (https://www.coursera.org/)

Bạn thử tìm kiếm với từ khóa "Python" sẽ thấy một loạt khóa học với các đơn vị sản xuất nội dung, mặc định là chất lượng cao nhất: Google, IBM, Đại học Michigan, Đại học Pensylvania.

Một ví dụ gần gũi hơn là trong trường hợp bạn chưa biết nhiều về máy tính, hãy bắt đầu với mức độ cơ bản nhất từ khóa học "Google IT Support Professional Certificate" do Google phát hành. Khóa học này trước đây có tên là "Grow with Google".

Khóa học sẽ được trang bị các kiến thức từ đơn giản nhất như hệ nhị phân, CPU, hệ điều hành... Với sự chia sẻ từ các chuyên gia về công nghệ đến từ Google, bạn có được một sự đảm bảo rằng mình có được một nền móng tốt nhất để tiến xa sau này. Sau mỗi phần sẽ là những chia sẻ về ngành nghề và những trải nghiệm riêng của các chuyên gia đó, giúp bạn hiểu có cái nhìn gần gũi, sâu sắc hơn về nghề nghiệp. Cũng phải nói thêm các video chia sẻ này thực sự có khả năng truyền cảm hứng và khiến bạn muốn bùng cháy.

Ưu điểm lớn nhất của các khóa học này là bạn có thể học ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào nhưng với một chất lượng rất cao và một mức giá có thể coi là rẻ hơn nhiều so với mặt bằng học phí hiện tại ở Mỹ. Các khóa học này cũng có cung cấp chứng chỉ, nhiều chứng chỉ trên các khóa học của Coursera được đánh giá rất cao trong công việc.



Ảnh 8: Khóa học Google IT (https://www.coursera.org/)

Xin chân thành cám ơn đã dành thời gian cho quảng cáo.

Quay trở lại, phải nói rằng tranh luận giữa việc học trực tiếp tại nhà trường hay học trực tuyến là một chủ đề cần rất nhiều thảo luận. Người đọc bài viết này chắc chắn cũng đã có những quan điểm riêng. Mình cũng sẽ mở một bài Threads liên quan đến vấn đề này với tên gọi nghe hoành tráng "Giáo dục khai phóng". Câu chuyện đao to búa lớn tạm thời chưa nói đến. Ở đây tạm đồng ý với nhau rằng, các khóa học trực tuyến là một cuộc cách mạng thực sự trong giáo dục và nó đã thay đổi cách người ta tiếp nhận tri thức một cách sâu sắc. Dù vẫn có những mặt hạn chế, nhưng nó là xu hướng không thể đảo ngược và những đóng góp của nó cho xã hội ngày càng lớn. Ở các nước phát triển thì giáo dục giờ là một quá trình song song của giảng dạy trực tiếp và trực tuyến.

Ở Việt Nam hiện có hocmai.vn cung cấp các bài giảng dạy các môn học trong chương trình học cấp 1, 2, 3.



Ảnh 9: Trang chủ của Học mãi (https://hocmai.vn/)

Chỉ cần lướt qua một chút, không khó để nhận ra, nội dung chính của nền tảng giáo dục trực tuyến này vẫn chủ yếu là các kiến thức nhằm mục tiêu giải bài tập phục vụ công tác thi cử.

(Chia sẻ riêng ở đây một chút. Mình là một người phản đối nền giáo dục hướng tới điểm số. Giáo dục nhà trường là bước đầu tiên để mỗi cá nhân được tiếp nhận tri thức một cách có hệ thống, nên là nơi khai mở những tính cách tốt đẹp và đón nhận tư duy khai phóng. Điểm số và những cuộc thi thay vì là những trải nghiệm vui vẻ, quý báu của tụi nhỏ, cuối cùng qua con mắt lệch lạc của người lớn lại trở thành một cuộc đua của kẻ thắng, người thua và những nỗi ám ảnh.)

Cần lưu ý rằng chúng ta không nhắc đến Học mãi ở đây với mục đích chê trách. Câu chuyện về điểm số là một bài toán của cả hệ thống xã hội. Học mãi hiện vẫn chỉ là một nền tảng nhỏ nhoi trong hệ thống giáo dục, nhiệm vụ của nó suy cho cùng vẫn là giải bài toán lợi nhuận sống còn của doanh nghiệp, chứ không phải bài toán xã hội kia. Mà đã nói đến câu chuyện lợi nhuận thì việc chạy theo nhu cầu số đông vẫn là lựa chọn khôn ngoan và an toàn nhất.

Tuy nhiên các nền tảng giáo dục trực tuyến như Học Mãi sẽ sớm vươn lên khỏi cái "nhỏ nhoi" để tham gia tích cực và đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục. Với một miếng đất ngày càng màu mỡ, như bất cứ ngành kinh doanh vì lợi nhuận nào, thị trường sẽ nhanh chóng sôi động. Nhưng nếu cứ lấy lợi nhuận làm tiêu chí hàng đầu mãi thì các nền tảng trực tuyến này thay vì giúp việc học hành của trẻ em trở lên nhẹ nhàng hơn thì vô tình lại siết thêm 1 vòng nữa vào áp lực điểm số. Bất cứ ai tham gia vào lĩnh vực giáo dục cũng cần ý thức trách nhiệm xã hội và giữ được cái tâm trong sáng.

Để kết thúc bài viết này, dưới góc nhìn chung như 1 trong các nền tảng tiếp cận thông tin và tri thức, mình sẽ giải thích chi tiết hơn tại sao giáo dục trực tuyến là rất quan trọng với xã hội.

Ưu điểm hơn cả của các nền tảng giáo dục trực tuyến có thể đem lại cơ hội tiếp cận tri thức chất lượng cao cho bất cứ một cá nhân nào, ở bất cứ đâu và trong bất cứ lĩnh vực nào. Do đặc điểm có khả năng lưu trữ tri thức, cập nhật thông tin nên bài toán kinh tế về sử dụng nguồn lực xã hội cũng tối ưu hơn giảng dạy trực tiếp tại nhà trường nhiều.

Tri thức là tài sản chung của nhân loại. Một xã hội được thiết kế tốt thì sự phân hóa giàu nghèo không phải là rào cản cứng (hard wall) trong việc tiếp nhận tri thức. Nghĩa là nếu chúng ta giả định sự phân hóa giàu nghèo là không thể tránh khỏi trong các mô hình xã hội hiện tại, thì khoảng cách giàu - nghèo của các gia đình vẫn không nên được mặc định là sự tương ứng về mặt trí tuệ của những đứa trẻ trong 2 gia đình đó. Tất nhiên, một đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo hay học thức thấp thì có ít cơ hội để hiểu được tầm quan trọng của tri thức hơn. Một đứa trẻ con nhà nghèo cần nhiều sự nỗ lực hơn, một xã hội tốt cần giảm bớt những khó khăn cho nó trong hành trình đạt tới tri thức. Càng ít bức tường dựng lên giữa nó và tri thức nhân loại thì càng tốt. (Việc san phẳng tất cả các bức tường đó là không khả thi trong các mô hình xã hội hiện tại. Chừng nào xã hội chưa bước sang mô hình chủ nghĩa mơ mộng, thì thực ra chúng ta vẫn cần một số bức tường ở đó để duy trì và thúc đẩy được sự sáng tạo.)

Điều nói trên sẽ trở lên dễ dàng hơn với sự trợ giúp của các nền tảng giáo dục trực tuyến. Bài toán chi phí thấp nhưng chất lượng nội dung bài giảng cao là không hề khó.

Một điều tích cực nữa là giáo dục trực tuyến không hề đối chọi với giáo dục tại nhà trường. Sự phát triển của giáo dục trực tuyến sẽ đặt ra câu hỏi tại sao chúng ta cần tới trường? Diễn giải tương đương là nhà trường có thể mang tới cho chúng ta điều gì mà chúng ta không thể học được qua mạng. Đây là một chủ đề lớn, và như đã nói ở trên, chúng ta sẽ bàn tới ở trong một bài khác.

Giáo dục trực tuyến thực ra sẽ là động lực để thúc đẩy những thay đổi và cải cách của nhà trường, và trong tương lai 2 nền tảng giáo dục này sẽ đồng hành cùng nhau trong sự phát triển xã hội. Nếu sự phân hóa về chất lượng giáo dục giữa các nhà trường là hệ quả không thể tránh khỏi trong một xã hội phân hóa giàu nghèo, thì giáo dục trực tuyến lại cho chúng ta một cơ hội để xóa bỏ bớt những rào cản cứng đó.



Ảnh 10: Phim "Gifted"

---------------------------------------------------------------------------------------------------------------

Trong phần Threads khi bạn đặt mua sản phẩm, chúng mình sẽ trình bày về một mô hình cung cấp thông tin chuyên sâu tưởng tượng của Mipiche.

Chúng mình cũng cập nhật thêm việc thảo luận về các khiếm khuyết của các mạng xã hội hiện tại, đặc biệt là facebook. Đi kèm với đó là một số gợi ý dành cho những ai đang muốn giảm thời gian lãng phí vô ích ở MXH này.

Để đặt mua sản phẩm này và vào được Threads vui lòng làm theo hướng dẫn trong link này: https://mipiche.com/gioi-thieu

Giá bán của sản phẩm này hiện tại là: 10.000đ

Do đây là bài viết đầu tiên, nên chúng mình sẽ tặng miễn phí như một sản phẩm dùng thử. Nếu bạn đã lỡ thanh toán trước khi nhìn thấy những dòng này, không sao cả, hãy nhắn tin cho chúng mình theo sđt: 0314159265 để nhận được voucher giảm giá cho sản phẩm tiếp theo nhé.

Link Threads thảo luận cho chủ đề này: Link
(Hiện Web Threads đang không vào được. Bạn có thể đọc bài đầy đủ tạm trong file pdf này nhé: Link
Do đây chỉ là bản chép lại từ Threads, nên chưa được căn chỉnh bố cục và đầy đủ hình ảnh)

Sản phẩm liên quan